CHUYÊN GIA S-GROUP ĐỀ XUẤT MÔ HÌNH QUY HOẠCH NGHĨA TRANG CHO CÁC ĐÔ THỊ VIỆT NAM HƯỚNG TỚI MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
30/11/2024
Sáng 29/11, Viện Nghiên cứu Đô thị và Phát triển hạ tầng (Tổng hội Xây dựng Việt Nam) phối hợp cùng Ban Phục vụ lễ tang Hà Nội đã tổ chức buổi tọa đàm “Nghĩa trang và an táng xanh – hướng đến đô thị xanh, bền vững”. Đại diện Tập đoàn S-Group đã tham gia với 2 tham luận về mô hình quy hoạch nghĩa trang cho các đô thị Việt Nam hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và mô hình ứng dụng công nghệ GIS trong chuyển đổi số, quản lý nghĩa trang xanh tại Việt Nam.
Dự tọa đàm có PGS.TS Lưu Đức Hải – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đô thị và Phát triển hạ tầng; ông Lê Hồng Lân – Trưởng ban Phục vụ lễ tang Hà Nội; cùng các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học đến từ Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng), Tổng hội Xây dựng Việt Nam, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội,…
Toàn cảnh tọa đàm
Quy hoạch nghĩa trang hướng tới mục tiêu phát triển bền vững
Sự quá tải và ô nhiễm ở các đô thị lớn của Việt Nam hiện nay đặt ra nhu cầu tất yếu của việc hình thành và phát triển đô thị xanh, bền vững; trong đó việc tìm hiểu và ứng dụng các nghiên cứu về hệ thống hạ tầng xanh cần được quan tâm một cách đúng mức.
Theo PGS.TS Lưu Đức Hải – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đô thị và Phát triển hạ tầng, hạ tầng xanh được một số nhà khoa học đề cập đến từ cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI. “Tuy nhiên, đến nay các thành phần của hạ tầng xanh chưa được đề cập đến một cách hệ thống, hệ thống lý luận về vấn đề này cũng chỉ mới ở bước khởi đầu”, PGS.TS Lưu Đức Hải nhận định.
PGS.TS Lưu Đức Hải – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đô thị và Phát triển hạ tầng
Ở một khía cạnh khác, theo ông Lê Hồng Lân – Trưởng Ban phục vụ lễ tang Hà Nội, tại Việt Nam hiện nay cũng chưa có định nghĩa và khái niệm đầy đủ, thống nhất cho các thuật ngữ “nghĩa trang xanh” hay “an táng xanh”.
Trong bối cảnh tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh, quỹ đất ngày càng hạn hẹp, các nghĩa trang quá tải, chi phí đắt đỏ cùng nhiều vấn đề môi trường đặt ra nhiều thách thức cho nghi lễ an táng truyền thống tại Việt Nam. “Mô hình nghĩa trang xanh và các hình thức an táng xanh xuất hiện như một giải pháp tất yếu nhằm giải quyết các vấn đề nêu trên, góp phần tạo nên các đô thị phát triển bền vững và thân thiện với môi trường”, ông Lê Hồng Lân nhấn mạnh.
Tuy nhiên, ông Lê Hồng Lân cũng cho rằng, đây là một vấn đề khá mới mẻ, vì vậy tính pháp lý, tính khoa học và thực tiễn cần phải được cả hai phía từ các cơ quan quản lý nhà nước và các đơn vị nghiên cứu phân tích, đánh giá, lựa chọn các thuộc tính “xanh” để có thể áp dụng vào thực tiễn phù hợp trong giai đoạn mới.
KTS Lê Thanh Lan – Công ty Công nghệ Xây dựng ACUD Việt Nam.
ThS.KS Bạch Ngọc Tùng và KTS Lê Thanh Lan – Công ty Công nghệ Xây dựng ACUD Việt Nam – đề xuất mô hình quy hoạch nghĩa trang cho các đô thị Việt Nam hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, cụ thể:
Mô hình nghĩa trang công viên sinh thái: Là mô hình nghĩa trang kết hợp giữa nghĩa trang và không gian xanh công cộng. Tích hợp các khu vực trồng cây, hồ nước, lối đi bộ và không gian tưởng niệm. Mô hình này sẽ góp phần giảm diện tích đất cần sử dụng, tạo thêm không gian xanh đô thị, thân thiện với môi trường, giảm nguy cơ ô nhiễm nguồn nước và đất.
Mô hình tháp lưu tro cốt: Xây dựng các tháp cao tầng lưu trữ tro, kết hợp sử dụng công nghệ để tối ưu hóa không gian và quản lý chặt chẽ. Mô hình này sẽ góp phần tiết kiệm diện tích đất đáng kể, dễ dàng quản lý và bảo trì, rất phù hợp với các đô thị lớn, nơi quỹ đất hạn chế.
Mô hình nghĩa trang hỏa táng kết hợp lưu trữ tro cốt: Là mô hình thay thế cho các nghĩa trang truyền thống, tập trung vào việc tối ưu hóa diện tích, giảm thiểu tác động môi trường, và tạo ra không gian yên bình.
Đề cao vai trò của chuyển đổi số, chuyển đổi xanh
Ông Hán Anh Vũ – Tập đoàn S-Group Việt Nam.
Tác giả Hán Minh Cường và Hán Anh Vũ đến từ Tập đoàn S-Group đề xuất mô hình ứng dụng công nghệ GIS trong chuyển đổi số, quản lý nghĩa trang xanh tại Việt Nam.
Theo đó, các ứng dụng cụ thể của GIS trong quản lý nghĩa trang tại Việt Nam gồm: Số hóa nghĩa trang hiện có, đặc biệt là nghĩa trang tại các thành phố lớn; cung cấp bản đồ chi tiết vị trí từng phần mộ kèm theo thông tin về người đã khuất; thống kê diện tích sử dụng, tỷ lệ còn trống và thời gian sử dụng đất tối ưu.
Quy hoạch và xây dựng nghĩa trang mới, việc ứng dụng GIS sẽ giúp các nhà quy hoạch có thể phân tích và lựa chọn vị trí phù hợp dựa trên đặc điểm địa chất, khoảng cách với khu dân cư và cơ sở hạ tầng, hạn chế xung đột với các khu vực bảo tồn thiên nhiên hoặc đất nông nghiệp.
GIS cũng giúp phân tích và mô hình hóa các tác động môi trường do nghĩa trang gây ra. Cùng với đó, phát triển dịch vụ công trực tuyến, cho phép người dân tra cứu thông tin phần mộ qua bản đồ GIS. Việc đăng ký trực tuyến các dịch vụ như hỏa táng, cải táng, hoặc bảo trì phần mộ cũng được dễ dàng.
Ngoài ra, GIS cũng giúp quản lý tài nguyên đất tại nghĩa trang một cách bền vững, tránh tình trạng lãng phí hoặc sử dụng không đúng mục đích. Dữ liệu từ GIS có thể hỗ trợ việc dự báo nhu cầu sử dụng đất trong tương lai, từ đó tối ưu hóa chi phí và tài nguyên.