TOẠ ĐÀM QUẢN LÝ CHẤT THẢI RẮN XANH VÀ VỆ SINH MÔI TRƯỜNG XANH – HƯỚNG ĐẾN ĐÔ THỊ XANH, BỀN VỮNG

16/08/2024

Chia sẻ

Vừa qua, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng tổ chức toạ đàm “Quản lý chất thải rắn xanh và vệ sinh môi trường xanh – hướng đến đô thị xanh, bền vững”. Tập đoàn S-Group Việt Nam vinh dự góp mặt tại toạ đàm với tham luận về Phát triển kết cấu hạ tầng xanh các KCN tại Việt Nam hướng tới mục tiêu trung hoà carbon đến năm 2050.

Tham dự toạ đàm có: PGS.TS. Lưu Đức Hải – Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng; Bà Sarah Remmei – Chuyên gia quy hoạch đô thị và môi trường – Spatial Decisions; Ths. Vương Thu Hoài – Viện Quy hoạch môi trường, hạ tầng kỹ thuật đô thị và nông thôn; GS.TS. Trần Đức Hạ – Đại học Xây dựng Hà Nội; PGS.TS. Đoàn Thu Hà – Hội Cấp thoát nước Việt Nam.

Về phía Tập đoàn S-Group Việt Nam có đại diện các công ty thành viên: Ths.KS. Bạch Ngọc Tùng – Giám đốc CTCP Công nghệ xây dựng ACUD Việt Nam; ông Nguyễn Tiến Đạt – Giám đốc CTCP Xây lắp công trình Hùng Vương; Bà Trần Thị Thu Hà – Trưởng Ban Phát triển dự án Tập đoàn S-Group Việt Nam; cùng các chuyên viên.

Đại diện Tập đoàn S-Group Việt Nam, Ths.KS. Bạch Ngọc Tùng đã phát biểu tham luận về Phát triển kết cấu hạ tầng xanh các KCN tại Việt Nam hướng tới mục tiêu trung hoà carbon đến năm 2050.

Ở góc độ xây dựng hạ tầng KCN xanh, ThS.KS Bạch Ngọc Tùng – Giám đốc Công ty CP Công nghệ Xây dựng ACUD Việt Nam – đơn vị thành viên Tập đoàn SGroup cho biết, tính đến hết năm 2023, cả nước đã có 414 KCN với tổng diện tích khoảng 89 ngàn ha. Do đó, phát triển kết cấu hạ tầng xanh cho các KCN tại Việt Nam hướng tới mục tiêu trung hoà carbon đến năm 2050 là một mục tiêu quan trọng và cần thiết, cần có một chiến lược toàn diện bao gồm các giải pháp kỹ thuật, chính sách quản lý.

Giải pháp phát triển hạ tầng xanh cho KCN tại Việt Nam, ThS.KS Bạch Ngọc Tùng cho rằng, trước tiên phải có quy hoạch KCN xanh, cùng với đó là các giải pháp ưu tiên sử dụng năng lượng tái tạo, quản lý và xử lý nước thải bền vững, quản lý chất thải tối ưu, xây dựng hệ thống giao thông bền vững, sử dụng vật liệu xanh, nâng cao nhận thức của người dân…

Đặc biệt, cần có giải pháp tích hợp không gian xanh nhằm tạo ra các khu công viên, cây xanh và vườn hoa trong, xung quanh các KCN để cải tiện môi trường; sắp xếp các khu vực sản xuất, kho bãi, văn phòng theo cách tối ưu để giảm thiểu khoảng cách vận chuyển nội bộ, tiết kiệm năng lượng, chi phí.

Đánh giá thực trạng và viện dẫn kinh nghiệm về xử lý chất thải rắn sinh hoạt từ một số quốc gia trên thế giới, bà Sarah Remmei – Chuyên gia Quy hoạch đô thị và môi trường, cho rằng, để khắc phục tình trạng trên, Việt Nam cần đẩy mạnh cải cách chính sách và thực thi pháp luật trong lĩnh vực quản lý, xử lý rác thải hướng đến sự phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, Nhà nước cần tăng cường thu hút nguồn lực từ khu vực tư nhân và khu vực phi chính thức trong việc xử lý, tái chế chất thải theo hướng xanh, thân thiện với môi trường; đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền để thay đổi nhận thức, từ đó có hành vi ứng xử phù hợp với rác thải, biến rác thành tài nguyên.